Báo chí với trẻ em

Từ cách đây gần 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà báo lỗi lạc có tầm nhìn xa trông rộng đã có sự quan tâm đặc biệt tới báo chí cho trẻ em.

bao-danh-cho-thieu-nhi-hien-nay.jpg

Nhà báo Phạm Thành Long, nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên tiền phong đã kể: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương họp bàn chuẩn bị cho việc trở về Thủ đô Hà Nội. Tại cuộc họp này, Bác Hồ đã mời đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn tới làm việc. Bác chỉ thị: Miền Bắc sẽ được giải phóng. Vì vậy, Đoàn thanh niên cần phải khẩn trương chuẩn bị ra một tờ báo riêng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng… Chấp hành chỉ thị của Bác, đồng chí Nguyễn Lam giao nhiệm vụ cho báo Tiền phong và Ban thiếu nhi Trung ương Đoàn thực hiện. Ngày 1/6/1954, tại xóm Dõn, xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Báo Tiền phong thiếu nhi (sau này là Báo Thiếu niên tiền phong, nay là Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng) số đầu tiên ra đời”.

Cùng với đoàn quân “Bộ đội Cụ Hồ” trở về Thủ đô Hà Nội, tờ Báo Thiếu niên tiền phong đã đến với thiếu nhi Hà Nội từ mùa thu năm 1954. Trong thời thơ ấu của tôi, cùng với sách Kim Đồng, Báo Thiếu niên tiền phong là người bạn thân thiết của học trò. Tờ báo đem đến cho chúng tôi chuyện kể về những người bạn làm được những việc tốt như: cứu bạn nhỏ đuối nước, nhận được của rơi đem trả lại cho người bị mất, giúp chú thương binh bị hỏng mắt đi qua đường… Những tấm gương vượt khó học giỏi như anh Nguyễn Ngọc Ký – “người viết bằng chân” đã thôi thúc lớp học trò chúng tôi hăng say học tập trở thành những học sinh giỏi toàn diện. Cũng nhờ Báo Thiếu niên tiền phong, chúng tôi được đọc những bài thơ đầu tiên của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi ông mới 6 - 7 tuổi…

tap-chi-hoa-hoc-tro.jpg

Báo Thiếu niên tiền phong còn có những bài giới thiệu sách Kim Đồng để cho bạn đọc nhỏ tuổi biết được những cuốn sách hay mới ra đời. Tôi còn nhớ năm 1971, bài báo giới thiệu cuốn “Những tia nắng đầu tiên” (tác phẩm đầu tiên của tôi) do nhà văn Phong Thu viết đăng trên Báo Thiếu niên tiền phong đã đem lại cho tác giả và bạn đọc một niềm vui lan tỏa rất lớn. Báo Thiếu niên tiền phong và Nxb Kim Đồng đã tạo ra một phong trào văn học cho trẻ em và phát triển rầm rộ, thu hút nhiều cây bút viết cho thiếu nhi mọi lứa tuổi tham gia. Thời đó các tờ báo cho người lớn như Văn nghệ, Nhân dân, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, Lao động, Người Hà Nội… đều thường xuyên có tin bài về văn học thiếu nhi (1/6). Từ khi đất nước thống nhất, báo chí cho thiếu nhi phát triển mạnh ở phía Nam, xuất hiện thêm những tờ Khăn quàng đỏ, Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Mực tím, Áo trắng… thu hút nhiều độc giả bao gồm những cây bút chuyên viết cho trẻ em cả nước tham gia viết bài. Khi Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em ra đời lại có thêm Tạp chí Vì trẻ thơ rồi Báo Gia đình và xã hội thường xuyên đưa những tin bài về quyền trẻ em và bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, văn học cho trẻ em có bước chuyển lớn lao. Các tác giả viết cho trẻ em đã có những sáng tạo mới, mở rộng các chủ đề sáng tác… Trong nghệ thuật thể hiện, các nhà văn đã diễn đạt phù hợp tâm lý trẻ em thời hiện đại: bớt đi những bài học khiên cưỡng áp đặt với trẻ nhỏ, chú trọng tới tình cảm tinh tế đời thường trong gia đình ở nhà trường và xã hội. Trong giai đoạn đổi mới, báo chí đã dành sự quan tâm đến văn học thiếu nhi với nhiều góc độ khác nhau: lên tiếng phê phán các ấn phẩm chạy theo thị hiếu dễ dãi thiếu tính giáo dục cho trẻ em; phản ánh tình trạng xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em, phản ánh đời sống khó khăn của trẻ em vùng sâu vùng xa…

Tuy vậy, điều đáng tiếc là nhiều tờ báo, tạp chí dành cho trẻ em đã từng xuất hiện rực rỡ rồi lại “biến mất” trong sự tiếc nuối của biết bao bạn đọc như: Tạp chí Ngựa Gióng (Hội Văn nghệ Hà Nội) nay không còn ai biết, Tạp chí Văn nghệ thiếu nhi sau đổi thành Tuổi xanh (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã biến mất, Tạp chí Hoa học trò (từ Báo Thiếu niên tiền phong) một thời tưng bừng nay cũng không còn nữa, Tạp chí Vì trẻ thơ đã kết thúc sự nghiệp cùng Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam… Nhắc lại như vậy để thấy rằng làm báo cho trẻ em không phải là việc dễ dàng.

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, một số tờ báo, tạp chí điện tử chuyển tải nhiều thông tin về văn học cho trẻ em đã hoạt động rất có hiệu quả trên không gian internet như: Zing (Hội Xuất bản Việt Nam), vanvn.vn (Hội Nhà văn Việt Nam)… Hay như Thể thao & Văn hóa không chỉ có tin bài phong phú về các cuốn sách hay mới xuất bản, hoặc được giải thưởng cao, giới thiệu các tác giả văn học thiếu nhi được vào sách giáo khoa, các tác giả nổi tiếng vừa qua đời… mà hằng năm báo còn tổ chức Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn trao cho các sáng tác – trình diễn nghệ thuật xuất sắc “vì” thiếu nhi hoặc “của” thiếu nhi. Có lẽ đây là hoạt động tích cực nhất của một tờ báo đối với phong trào sáng tác cho trẻ em hiện nay.

Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, những tờ báo, tạp chí có đóng góp lớn cho văn hóa đọc này có độc giả đa phần là người lớn, còn trẻ em liệu có biết và đọc các tờ báo này hay không? Hiện nay truyện tranh đang là món ăn tinh thần rất được trẻ em ưa thích, nhưng đã có tờ báo nào chuyên về truyện tranh cho trẻ em hay chưa? Nếu có một tờ báo như vậy, tôi tin chắc rằng đó sẽ là một không gian bổ ích tạo điều kiện tốt nhất để các tài năng truyện tranh Việt Nam xuất hiện, tạo ra sức phát triển mạnh mẽ cho nền truyện tranh Việt Nam trong thế kỷ mới.

Có thể nói báo chí chính là vườn ươm tài năng cho các tác giả trẻ; là món ăn tinh thần cho các bạn đọc thiếu niên nhi đồng; là nơi phản ánh đời sống phong phú, đa dạng, nhiều chiều của trẻ em hiện nay. Nếu tất cả các kênh báo chí đều dành nội dung thích đáng cho đề tài trẻ em thì chắc chắn sự quan tâm của toàn xã hội với trẻ em – tương lai của đất nước sẽ thay đổi. Nếu chúng ta có được nhiều tờ báo dành riêng cho trẻ em, với nội dung lành mạnh nhân văn và nghệ thuật độc đáo thú vị, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, góp phần bồi đắp tâm hồn trẻ em thì thế hệ mới sẽ phát triển tốt đẹp xứng đáng với niềm tin yêu hi vọng của các thế hệ cha ông./.

link nguồn:https://nguoihanoi.com.vn/bao-chi-voi-tre-em-73588.html

Đã đăng bởi admin trong mục 24H
1177 lượt xem

Video liên quan

00:00 Thịnh hành Lễ xá tội vong nhân của người Việt

Lễ xá tội vong nhân của người Việt

2627 lượt xem
00:00 Thịnh hành Báo chí với trẻ em

Báo chí với trẻ em

2933 lượt xem
00:00 Thịnh hành Grammy bổ sung thêm 3 hạng mục mới

Grammy bổ sung thêm 3 hạng mục mới

1836 lượt xem
00:00 Thịnh hành Kiều Minh Tuấn vào vai giang hồ trong phim mới

Kiều Minh Tuấn vào vai giang hồ trong phim mới

4082 lượt xem