Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em: Khi trẻ em được đóng vai đại biểu Quốc hội

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Đồng thời khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

100920231225-z4679985369789-2a1df28845dff7470d1d64881f1a3ad0.jpg

Đại biểu trẻ em tham dự Phiên họp giả định. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 10/9, phiên họp giả định toàn thể "Quốc hội trẻ em" lần thứ I diễn ra tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), do 263 đại biểu trẻ em tham gia điều hành.

Phiên họp giả định toàn thể có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Chương trình phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I - năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Đồng thời khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Phiên họp Quốc hội trẻ em lần thứ I năm 2023 diễn ra vào thời điểm trẻ em cả nước đang hân hoan, náo nức tựu trường, đón chào năm học mới 2023-2024. Phiên họp có ý nghĩa quan trọng thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” giả định Đặng Cát Tiên nhấn mạnh, tại phiên họp toàn thể “Quốc hội trẻ em” sẽ tập trung thảo luận về các nội dung liên quan, thống nhất ban hành Nghị quyết về những vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, đó là “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và vấn đề “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Các nội dung quan trọng này đã được triển khai lấy ý kiến của cử tri trẻ em cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như Diễn đàn, kỳ họp hội đồng trẻ em các cấp, khảo sát bằng phiếu hỏi trực tuyến, trực tiếp...

Phiên họp giả định được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp chính thức của Quốc hội. Theo đó, tại Phiên họp giả định, 263 đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang, Trưởng Ban Tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất , năm 2023 cho biết, với mô hình phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Ban Tổ chức mong muốn giúp các em được tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi một cách có hệ thống những kiến thức về hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, đặc biệt là những hoạt động quan trọng như lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyên vọng của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất...

Bà Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, việc lựa chọn chủ đề phiên họp được tiến hành dựa trên cơ sở thực hiện vai trò đại diện tiếng nói trẻ em của tổ chức Đoàn, Đội các cấp và sự quan tâm của xã hội và chính trẻ em trong thời gian qua. Các nội dung của phiên họp là kết quả làm việc của chính các đại biểu trẻ em được lựa chọn tham gia phiên họp, cũng như thể hiện ý kiến, nguyện vọng của hơn 41.000 trẻ em đại diện cho 25 triệu trẻ em cả nước.

Có thể khẳng định, dù là các ý kiến thảo luận tại phiên họp “Quốc hội trẻ em” giả định nhưng lại là những ý kiến thực chất, phản ánh sinh động những suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em, đảm bảo được các quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em theo luật định, bà Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu trẻ em Hoàng Trà My - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu thực trạng, tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, trở thành một vấn đề gây bức xúc, lo lắng của toàn xã hội. Đặc biệt, hậu quả mà tình trạng bạo lực, xâm hại gây ra là vô cùng nghiêm trọng, trở thành một nỗi ám ảnh, để lại những tổn thương, nỗi đau đớn về thể chất lẫn tinh thần, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của trẻ em .

Đưa ra giải pháp khắc phục thực trạng này, đại biểu trẻ em tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị, các cơ quan chức năng tại địa phương cần quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, các ngã ba, ngã tư tại các thôn xóm. Đồng thời, cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng tránh tại nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động…

Ngoài ra, đại biểu trẻ em Hoàng Trà My cũng đề nghị các nhà trường cần quan tâm đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường, tích hợp thường xuyên trong các môn học, thầy cô cởi mở hơn trong trao đổi với các em; hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan, chức năng;…

Liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu trẻ em Ngô Kim Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng và yêu cầu để trẻ em được tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng trở nên một vấn đề bức thiết.

Qua tiếp cử tri trẻ em tại địa phương, đại biểu trẻ em tỉnh Tây Ninh cho biết, gia đình, nhà trường, thầy cô giáo chưa chú trọng giáo dục, hướng dẫn về kỹ năng, kiến thức sử dụng mạng đúng cách cho trẻ em. Đôi khi tập hợp rất nhiều nội dung tuyên truyền trong một khoảng thời gian ngắn không đủ cho việc hướng dẫn, giảng giải về tất cả các chủ đề nên đa phần nội dung truyền tải không cụ thể, còn mang tính đại khái chung chung.

Thêm vào đó, trẻ em được tiếp xúc với mạng xã hội từ quá sớm, khi chưa có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng, từ đó chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn bị xem nhẹ.

Do đó, đại biểu trẻ em Ngô Kim Cương đề xuất, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt cha mẹ chính là những "lá chắn" cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức cơ bản như không ấn vào đường link lạ, biết cung cấp thông tin đúng cách, định hướng để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng.

Đại biểu cũng đề xuất Bộ Giáo dục cần tăng thời lượng dạy và học môn tin học, ngoài những kiến thức về ứng dụng cơ bản như word, excel cần cho học sinh trang bị kỹ năng tiếp xúc với Internet an toàn. Môn học Giáo dục công dân cần có nội dung phòng chống xâm hại qua môi trường mạng.

Ngoài ra, tại Phiên thảo luận giả định, một số đại biểu trẻ em đã giơ biển phát biểu tranh luận sôi nổi và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các nội dung được bàn thảo.

Cũng tại Phiên họp giả định, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giả định Lê Quang Vinh, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng./.

link nguồn:https://nguoihanoi.vn/phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em-khi-tre-em-duoc-dong-vai-dai-bieu-quoc-hoi-76671.html

Đã đăng bởi admin trong mục Thời Sự
2472 lượt xem

Video liên quan