Cơm nắm, cà bát nén dâng đức Thánh Gióng ở đền Sọ

Đền Sọ nằm ở thôn Phù Lỗ Đoài, xã Phù Lỗ, ven sông Cà Lồ thuộc huyện Sóc Sơn, thờ 3 vị thánh trong đó có Thánh Gióng, là một trong tứ bất tử của người Việt.

den-so-1.jpg

Một góc không gian đền Sọ.

Đền Sọ nằm ở thôn Phù Lỗ Đoài, xã Phù Lỗ, ven sông Cà Lồ thuộc huyện Sóc Sơn, thờ 3 vị thánh trong đó có Thánh Gióng, là một trong tứ bất tử của người Việt.

Đền Sọ được 3 tổng là Phù Lỗ, Phù Xá, Xuân Nộn (ngày nay gồm 6 xã 15 làng của hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn) cùng lo việc thờ cúng và tổ chức lễ hội nên còn được gọi là đền Tam tổng.

“Truyền thuyết dân gian ghi nhận tên kẻ Sọ gắn liền với người anh hùng làng Gióng từ đời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc Ân. Ông Gióng trước khi lên núi Sóc để bay về trời đã qua đây gội đầu nên được nhân dân ghi nhớ sự kiện ấy mà lập đền thờ bên giếng nước, đặt tên là đền Sọ” (1) (“sọ” tức là đầu, đền Sọ đứng đầu Tam tổng) vào năm Hồng Đức thứ 14 (1473).

Trải qua bao năm tháng, đền đã được trùng tu nhiều lần: lần thứ nhất năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), với sự đóng góp của các quan đại thần trong triều Lê là những người con của quê hương như: Trịnh Tự Hiền, Trịnh Tự Đình, Đoàn Viết Khang, Nguyễn Nghị và công sức của nhân dân Phù Lỗ; lần thứ hai vào năm Khải Định thứ 6 (1921) do công đức của nhân dân Tam tổng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đền Sọ bị tàn phá, chỉ còn lại nền móng. Năm 1992 đền được nhân dân Tam tổng xây dựng lại. Tại hậu cung đặt tượng Thánh Gióng. Bên trái đền là cung thờ Mẫu. Năm 1997, đền Sọ được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa.

den-so-2.jpg

Giếng cổ ở đền Sọ.

Di vật quý giá nhất của đền Sọ là “nồi hương bằng đồng có ghi ba chữ Hán “Thánh Gióng đình”. Ngày 6 tháng Giêng có 30 cụ ông cụ bà mang hương hoa oản quả và rước nồi hương này về thờ tại đền Sóc Phù Linh” (2).

Hằng năm, hội đền Sọ được tổ chức trong 3 ngày 16, 17 và 18 tháng Hai, chính hội là ngày 16 tháng Hai âm lịch. Vì đền Sọ đứng đầu Tam tổng nên được giữ việc hương khói và sắm lễ vật dâng Thánh.

Sáng 16 tháng Hai, khắp các làng trong tổng đều náo nức chuẩn bị đám rước của làng mình về đền Sọ. Sau khi hội quân, đoàn rước tiếp tục cuộc hành trình dài gần 10km đến đền Sóc làm lễ phụng nghênh và rước nồi hương của đền Sọ trở về đền.

Khi kiệu rước Bình Hương về đến cánh Đồng Trời (là nơi năm xưa ngài đã nghỉ chân) thì quay kiệu đưa Bình Hương sang kiệu Tam tổng rước về đền Mã làm lễ, rồi về đền Sọ làm lễ an vị. “Còn ngày nay lễ rước nồi hương từ đền Sóc về có thay đổi. Sáng ngày 16 tháng Hai có một số ô tô lên đền Sóc rước nồi hương về đến Đồng Trời (cách đền Sọ 3km). Ở đây có 32 kiệu chờ đón, 16 kiệu bành, 16 kiệu rước lễ. Các làng chờ đón chuyển giao nồi hương từ ô tô sang kiệu và rước về đền Sọ” (3). Đến ngày 18 tháng Hai đền làm lễ rã hội.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Mùi, năm nay 93 tuổi, người làng Phù Lỗ Đoài, thì hai ngày đầu khai hội, dân làng dâng lễ mặn, nhưng đến ngày rã hội thì dâng lễ chay.

Lễ chay là nong cơm nắm muối vừng và cà muối. Cơm được thổi bằng thứ gạo trắng dẻo thơm cho vào vuông vải và nắm lại, phần dưới nén phẳng, phần trên hơi khum xoe tròn theo hình hai bàn tay úp, nắm cơm vừa chắc vừa dẻo nên để được lâu. Vừng và muối được rang thơm cho vào cối đá giã nhỏ rồi trộn lẫn làm muối vừng.

Món cà bát được chuẩn bị khá cầu kỳ. Trước ngày khai hội nửa tháng, người đăng cai của các giáp đã đến các ruộng trồng cà sớm của làng Bẽ tìm mua những quả cà bát ra bói, quả tròn đều, ngoài vỏ không tì vết, đem về cắt núm rửa sạch, để cho ráo nước, rồi dùng dao sắc khía chứ không cắt rời, cho vào vại, xếp từng lớp, rắc muối lên núm từng quả; trên cùng đặt vỉ tre. Sau đó, người ta lấy một cái ang (hay liễn) sành đặt trên vỉ tre rồi đặt viên đá nén lên trên để đá không chạm tới nước cà. Để đá chạm nước cà thì cà bát sẽ bị “kháng”, làm giảm vị tự nhiên. Hơn mười ngày sau, khi đã chín ngấu, quả cà dẹt xuống, những cánh khía xòe ra như hình bông hoa.

Trước đây, cơm nắm cà nén và muối vừng xếp vào nong nhưng về sau, các lễ vật này được xếp vào mâm đồng. Mỗi tổng một mâm. Sau khi tế lễ, mâm lễ của tổng nào trả về cho tổng đó để phát lộc cho dân. Đặc biệt các nhà có trẻ nhỏ, mỗi năm hội đến lại háo hức chờ đợi để xin lộc; vì họ tin rằng, con trẻ được ăn một miếng cơm nắm, một miếng cà của Thánh Gióng ban cho thì đứa trẻ đó sẽ hay ăn chóng lớn, thông minh và học giỏi.

Người dân Tam tổng dâng lễ cơm nắm muối vừng và cà bát muối trong ngày rã hội, là để nhắc nhớ tích cậu bé 3 tuổi người làng Gióng, huyện Gia Lâm, sau khi ăn hết 9 nong cơm, 3 nong cà do mẹ và dân làng chu cấp, cậu đã vươn mình trở thành tráng sĩ cao 3 trượng, cưỡi ngựa sắt, mặc áo giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm cây gậy sắt oai phong lẫm liệt chỉ huy quân sĩ xông pha trận mạc đánh tan giặc Ân đem lại bình yên cho đất nước.

Đó là biểu tượng đẹp đẽ, là ước mong nghìn đời không chỉ của một người, một làng mà còn là của cả dân tộc Việt./.

.......................

(1), (2), (3): Theo “Hội đền Sọ” của Nguyễn Thị Phương, in trong sách “Hội làng Thăng Long - Hà Nội”, Nxb Thanh Niên, 2011.  

link nguồn:https://nguoihanoi.vn/com-nam-ca-bat-nen-dang-duc-thanh-giong-o-den-so-76545.html

Đã đăng bởi admin trong mục Đời Sống
5881 lượt xem

Video liên quan

00:00 Thịnh hành Người tiên phong xã hội hóa nghệ thuật múa

Người tiên phong xã hội hóa nghệ thuật múa

4670 lượt xem