Hàng trăm hiện vật được hiến tặng liên quan đến di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán

Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Cổ vật Việt Nam đã chủ động đề nghị hiến tặng 200 hiện vật liên quan đến địa phương cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh quản lý, 100 hiện vật liên quan đến di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán cho Tộc họ Bùi Quảng Phú quản lý và hai bức tranh chủ đề “Bộ đội cụ Hồ”.

dothico-khu-di-tich-den-tho-bui-ta-han-quang-ngai1.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn ký ban hành Công văn 4007/UBND-KGVX về việc hiến tặng hiện vật liên quan đến tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh và ghi nhận sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Cổ vật Việt Nam đã chủ động đề nghị hiến tặng 200 hiện vật liên quan đến địa phương cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh quản lý, 100 hiện vật liên quan đến di tích quốc gia Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán cho Tộc họ Bùi Quảng Phú quản lý và hai bức tranh chủ đề “Bộ đội cụ Hồ”.

Công văn 4007 cho biết, việc hiến tặng có ý nghĩa quan trọng nhằm gìn giữ, bảo tồn các hiện vật, di vật gắn với lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Ngãi và cuộc đời, sự nghiệp và công trạng của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, con người Quảng Ngãi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VHTTDL tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Cổ vật Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận hiện vật hiến tặng theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16.12.2013 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời tổ chức khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hiện vật theo quy định.

Bắc quân Đô đốc, Trấn quốc công Bùi Tá Hán (1496-1568) là người được xem như "tiền hiền" của xứ Quảng (gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên ngày nay). Năm 1546, sau khi đem quân vào dẹp yên tàn quân nhà Mạc ở phía Nam đèo Hải Vân đến Phú Yên, ông được triều đình nhà Lê trung hưng phong làm Đô tướng dinh Quảng Nam, chịu trách nhiệm yên dân và xây dựng một vùng đất rộng lớn.

Sự nghiệp văn võ toàn tài của Bùi Tá Hán đã được nhiều học giả như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bá Trác và các sử liệu ghi lại. Các triều đại phong kiến từ Tây Sơn đến các triều vua Nguyễn đều ban tặng nhiều sắc phong ghi nhận công đức, sự ngưỡng vọng về ông. Riêng đời vua Minh Mạng thứ 3 (1822) phong ông là Thượng đẳng thần (Khả gia phong Khuông quốc tịnh biên thọ đức Thượng đẳng thần…).

Ngày nay, lăng mộ, tượng và đền thờ Bùi Tá Hán vẫn được gìn giữ tại các địa phương như đền núi Ông, Rừng Lăng và lăng Ông được xếp hạng Di tích Quốc gia (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), đình Nam Chơn thờ Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (TP HCM), đền Tam Thanh (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), đền Ông Bùi (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và nhiều nơi khác. Những di tích liên quan đến Bùi Tá Hán đều được người dân cho là rất linh thiêng./.

link nguồn:https://nguoihanoi.vn/hang-tram-hien-vat-duoc-hien-tang-lien-quan-den-di-tich-quoc-gia-mo-va-den-tho-bui-ta-han-76187.html

Đã đăng bởi admin trong mục Đời Sống
1699 lượt xem

Video liên quan

00:00 Thịnh hành Lê Hoàng Phương đăng quang Miss Grand Vietnam 2023

Lê Hoàng Phương đăng quang Miss Grand Vietnam 2023

5076 lượt xem
00:00 Thịnh hành Người tiên phong xã hội hóa nghệ thuật múa

Người tiên phong xã hội hóa nghệ thuật múa

1802 lượt xem